Chung tay bảo vệ môi trường là một vấn đề toàn cầu, trong đó có lĩnh vực phòng cháy chữa cháy.

Chung tay bảo vệ môi trường là một vấn đề toàn cầu, trong đó có lĩnh vực phòng cháy chữa cháy. Hiện nay, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH đang nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn quy định hệ thống chữa cháy bằng khí FK-5-1-12, một trong những giải pháp chữa cháy hiệu quả, an toàn và thân thiện với môi trường.

Hiện nay, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thế giới là các vấn đề về ô nhiễm môi trường sinh thái đang đe dọa đến sức khỏe của con người và sự ổn định của trái đất. Cả thế giới đang rất quan tâm đến các giải pháp nhằm bảo vệ môi trường và ngăn ngừa hiện tượng nóng lên của trái đất. Nghị định thư Montreal ra đời vào năm 1987 và có hiệu lực từ ngày 01/01/1989 là một hiệp ước quốc tế được thiết kế để bảo vệ tầng ô-zôn bằng biện pháp loại bỏ hoạt động tạo ra các chất thải làm suy giảm tầng ô-zôn. Tại khóa họp lần thứ 28 của các bên tham gia Nghị định thư Montreal vào ngày 15/10/2016 diễn ra tại Kigali, Cộng hòa Ru-an-đa, các nước đã thông qua bản sửa đổi, bổ sung Kigali về kiểm soát và loại trừ các chất HFC. Tại Việt Nam, ngày 04/9/2019 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 64/NQ-CP chính thức phê duyệt Bản sửa đổi, bổ sung Kigali thuộc Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-zôn. 

Từ trước tới nay, các chất HFC được sử dụng rất phổ biến (chủ yếu trong lĩnh vực: Sản xuất thiết bị làm lạnh, điều hòa không khí trong ô tô, các chất dập cháy, dược phẩm) để thay thế cho các chất làm suy giảm tầng ô-dôn (ODS). Tuy các chất HFC không trực tiếp gây suy giảm ODS, nhưng lại gây hiệu ứng nhà kính và có nguy cơ làm gia tăng nhiệt độ trái đất. Để giải quyết vấn đề đó, hiệ nay nhiều nước trên thế giới đã nghiên cứu để đưa ra giải pháp chữa cháy thay thế các chất chữa cháy HFC một cách hiệu quả, an toàn và thân thiện với môi trường. Một trong những giải pháp thay thế đó là sử dụng chất chữa cháy khí FK-5-1-12. Khi chữa cháy bằng khí FK-5-1-12 thay cho chất chữa cháy từ HFC, khí nhà kính có thể giảm hơn 99%. 

Chất chữa cháy FK-5-1-12 đã được sử dụng rộng rãi trên thế giới, đặc biệt là ở các quốc gia phát triển. Tại Châu Âu, bắt đầu từ năm 2015, FK-5-1-12 bắt đầu được sử dụng để thay thế HFC-227ea do có các tính năng tương tự khí chữa cháy HFC-227ea nhưng không gây ảnh hưởng đến môi trường, nồng độ chữa cháy thấp, an toàn cho người sử dụng:

- Không phá hủy tầng ô-zôn (ODP) 

- Chỉ số gây nóng lên toàn cầu (GWP) <1

- Thời gian tồn tại trong khí quyển: 5 ngày

- Nồng độ thiết kế: 4,5 – 5,9%

 

Cấu trúc hoá học của chất chữa cháy FK-5-1-12

Tính chất vật lý của chất chữa cháy FK-5-1-12

Chất chữa cháy FK-5-1-12 tồn tại dưới dạng chất lỏng trong điều kiện tại nhiệt độ phòng, không màu, không mùi và không dẫn điện cả ở trạng thái lỏng và trạng thái khí (FK-5-1-12 còn được gọi là nước khô). Điểm sôi của FK-5-1-12 tại 49,2oC; nhiệt hoá hơi của FK-5-1-12 thấp hơn khoảng 25 lần so với nước. Cùng với đó, áp suất hơi của FK-5-1-12 cao hơn khoảng 12 lần so với nước (nguyên nhân là FK-5-1-12 hoá hơi nhanh hơn 50 lần so với nước). Do đó, FK-5-1-12 chuyển từ trạng thái lỏng sang trạng thái khí rất nhanh khi được phun qua vòi phun vào khu vực bảo vệ. Nói cách khác, FK-5-1-12 chỉ tồn tại ở dạng lỏng khi được lưu giữ, bảo quản trong bình nén; khi được phun ra ngoài để chữa cháy thì lập tức biến thành hơi.

Thông số của chất chữa cháy FK-5-1-12

Tính chất

Đơn vị

Giá trị

Khối lượng phân tử

Không đề cập

316,04

Điểm sôi tại 1,013 bar (tuyệt đối)

°C

49,2

Điểm đông đặc

°C

–108,0

Nhiệt độ tới hạn

°C

168,66

Áp suất tới hạn

bar

18,646

Thể tích tới hạn

cm3/mol

494,5

Mật độ tới hạn

kg/m3

639,1

Áp suất hoá hơi tại 20 °C

bar tuyệt đối

0,3260

Mật độ chất lỏng 20 °C

g/ml

1,616

Mật độ bay hơi bão hòa 20 °C

kg/m3

4,3305

Thể tích riêng của hơi quá nhiệt

ở 1,013 bar và 20 °C

m3/kg

0,0719

Nhiệt độ bốc hơi ở điểm sôi

KJ/kg

88,0

Công thức hóa học

CF3CF2C(O)CF(CF3)2

 

Tên hóa học

Dodecaf luoro-2-methylpentan-3-one

 

Cơ chế chữa cháy và ưu điểm của chất chữa cháy FK-5-1-12

FK-5-1-12 có cơ chế chữa cháy chính là hấp thụ nhiệt của đám cháy để dập tắt mà không tác động trực tiếp đến nồng độ oxy trong khu vực cháy. Điều này cho phép con người có thể thở, quan sát và rời nơi có cháy một cách an toàn.

 FK-5-1-12 không ảnh hưởng đến sắt, nhôm, đồng và các loại vật liệu khác như nhựa, cao su hay các hợp chất trong ngành điện. Do đó, không gây ra bất kỳ tác hại nào đến các thiết bị điện, điện tử trong khu vực chữa cháy. Sau khi phun vào khu vực chữa cháy, FK-5-1-12 không để lại cặn, không gây ăn mòn sau khi chữa cháy, vì vậy loại trừ được chi phí vệ sinh môi trường cũng như tiết kiệm thời gian khắc phục hậu quả, giúp tiết kiệm chi phí cho việc xử lý sau cháy. 

 FK-5-1-12 tồn tại dưới dạng lỏng và được nén dưới áp suất cao, nồng độ chữa cháy thấp nên hệ thống FK-5-1-12 giúp tiết kiệm không gian. Với cùng thể tích, một bình nước khô FK-5-1-12 có hiệu quả chữa cháy cao hơn nhiều so với bình CO2 hay các loại khí trơ khác. 

Phạm vi ứng dụng

 Chất chữa cháy FK-5-1-12 được sử dụng hiệu quả để chữa cháy theo thể tích cho các khu vực: các trung tâm dữ liệu/phòng máy chủ, phòng thí nghiệm, tàu biển, phòng chứa thiết bị y tế, bảo tàng, văn thư lưu trữ, nơi chứa dầu và khí; phòng chứa sơn; máy phát điện và dự trữ năng lượng; trung tâm viễn thông; lĩnh vực vận tải…

Cùng với sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng thì sự du nhập của nhiều công nghệ, thiết bị phòng cháy mới từ nước ngoài vào Việt Nam ngày càng nhiều, trong đó có hệ thống chữa cháy bằng khí FK-5-1-12 với nhiều đặc tính nổi trội và được đánh giá cao về hiệu quả, bảo vệ tài sản, an toàn cho người sử dụng và thân thiện với môi trường. Một số công trình đã được đầu tư trang bị hệ thống chữa cháy này, tuy nhiên ở Việt Nam hiện nay chưa có tiêu chuẩn quy định về hệ thống chữa cháy bằng khí FK-5-1-12. Vì vậy về quản lý nhà nước, cơ quan chức năng chưa có cơ sở kỹ thuật để hướng dẫn thẩm duyệt, lắp đặt sử dụng hệ thống. 

Trước yêu cầu của thực tiễn, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH đang nghiên cứu và đề xuất xây dựng tiêu chuẩn quy định hệ thống chữa cháy bằng khí FK-5-1-12. Trong tương lai không xa, tiêu chuẩn này sẽ góp phần bổ sung hoàn thiện hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC ở Việt Nam, kịp thời bắt nhịp với xu thế và đòi hỏi ngày càng cao về an toàn PCCC của các công trình xây dựng nước ta./.

Các tin khác